Thông tin thêm Phí (họ)

Ngọc phả của Tả tướng Thủy quân Phật Nguyệt, Tổng Trấn hồ Động Đình, Bà là một trong nhiều nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà có mẹ đẻ là người họ Phí. Điều này chứng tỏ, vào những năm đầu thế kỷ thứ nhất của Công Nguyên đã có họ Phí của Việt Nam (khác với nhánh họ Phí từ Trung Quốc sang vào thế kỷ V của Công Nguyên). Hiện nay vẫn còn lưu giữ Thần tích, thần sắc, Ngọc phả của Bà. Bà đang được nhân dân ở ba xã của huyện Thanh Ba – Phú Thọ thờ cúng với những lễ nghi của tổ tiên họ Phí.

Một nhánh lớn của họ Bùi có xuất phát từ họ Phí: Bùi Mộc Đạc là một danh thần đời nhà Trần, vốn tên thật là Phí Mộc Lạc nhưng vì vua Trần Nhân Tông cho là Mộc Lạc là tên xấu, mang điềm chẳng lành (Mộc Lạc trong tiếng Hán nghĩa là cây đổ, cây rụng) nên vua đổi tên Phí Mộc Lạc thành Bùi Mộc Đạc với nghĩa Mộc Đạc là cái mõ đánh vang. Trong quá trình làm quan, Bùi Mộc Đạc được ghi nhận làm việc hết sức tận tụy, công minh, đem lại nhiều điều lợi cho nhân dân, hiến nhiều kế hay cho triều đình, nổi tiếng trong giới nho học, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận "Sau này, người họ Phí trong cả nước hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc, nhiều người đổi làm họ Bùi". Đến nay giữa họ Bùi và họ Phí thường có quan hệ hữu hảo tốt đẹp với nhau là vì thế. Chắt nội Bùi Mộc Đạc là Bùi Quốc Hưng là người tham gia hội thề Lũng Nhai và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau khi Lê Lợi lên ngôi, phong ông là Nhập nội Thiếu úy, tước Hương thượng hầu, sau thăng Nhập nội Tư đồ, được vua ban Quốc tính họ Lê, nên đổi là Lê Quốc Hưng. Bộ " Bùi thị gia phả" của họ Bùi gốc Phí ở Đức Thọ Hà Tĩnh được Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đánh giá là bộ gia phả cổ nhất của Hà Tĩnh, được viết dưới thời Lê Thánh Tông. Theo gia phả của chi họ Bùi gốc Phí ở Nam Sách (Hải Dương) thì một trong số hậu duệ của Bùi Mộc Đạc là Bùi Thị Hý là tổ nghề của làng gốm Chu Đậu nổi tiếng. Bà Bùi Thị Hý được thờ làm tổ nghề của làng gốm Chu Đậu.